Có yêu cầu bắt buộc khám bệnh nghề nghiệp không?
Tại điểm b khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định cụ thể rằng:
"Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động"
Theo đó, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và thực hiện đầy đủ chế độ đối với người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng có nêu rõ:
"Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp."
Như vậy, các doanh nghiệp bắt buộc phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho những người lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.
Cụ thể, những người lao động sau đây sẽ được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp:
- Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp.
- Người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Tính cả người học nghề, tập nghề, người đã nghỉ hưu hoặc người đã chuyển công tác không còn làm việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm hoặc đã có quyết định nghỉ việc chờ hưu, trợ cấp hằng tháng (căn cứ Điều 6 Thông tư 28/2016/TT-BYT).
- Người lao động không thuộc các trường hợp trên mà chuyển sang làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Có bắt buộc khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên không? (Hình ảnh từ Internet)
Công ty có bị phạt khi không khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên không?
Như quy định đã đề cập ở trên, cụ thể tại khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho nhân viên của mình.
Trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ này, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Đối với mức xử phạt khi không thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho nhân viên thì tại khoản 2 Điều 22 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động sẽ bị phạt như sau:
- Người sử dụng lao động là cá nhân: Bị phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng/người lao động bị không được khám bệnh nghề nghiệp nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng.
- Người sử dụng lao động là tổ chức: Bị phạt tiền từ 02 - 06 triệu đồng/người lao động bị không được khám bệnh nghề nghiệp nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng.