Có được ký hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Người thành lập doanh nghiệp được hiểu là cá nhân, tổ chức thành lập/góp vốn để thành lập doanh nghiệp.
Người thành lập doanh nghiệp được quyền ký hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp để phục vụ cho việc thành lập/hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, người thành lập doanh nghiệp được phép ký hợp đồng trước khi thành lập công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động công ty như: Hợp đồng thuê trụ sở; Hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty; Hợp đồng thỏa thuận góp vốn...
Có được ký hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp không? (Hình ảnh từ Internet)
Các lưu ý khi thực hiện ký hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp?
1 - Một trong các bên ký hợp đồng phải là người thành lập doanh nghiệp
Hợp đồng trước đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể được hiểu rằng:
- Là những hợp đồng được ký kết trước khi đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động phục vụ cho việc thành lập, hoạt động công ty như: Hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng/công ty luật để thực hiện thủ tục thành lập công ty…
- Là các hợp đồng, giao dịch khác liên quan đến hoạt động của công ty: Hợp đồng thỏa thuận góp vốn, Hợp đồng thỏa thuận về quản lý điều hành, bồi thường thiệt hại…
Như vậy, có thể thấy rằng một trong các bên tham gia ký kết hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp phải là người thành lập doanh nghiệp và có thể là:
- Giữa người thành lập doanh nghiệp với bên thứ ba;
- Giữa những người thành lập doanh nghiệp với nhau.
2 - Mục đích ký hợp đồng trước đăng ký kinh doanh
Khi thực hiện ký hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp thì phải xác định mục đích ký hợp đồng là hợp đồng này bắt buộc phải nhằm mục đích phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Thế nhưng chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí xác định mục đích như vậy, nên khi giao kết hợp đồng các bên cần quy định rõ mục đích này trong hợp đồng.
Nếu hợp đồng được người thành lập công ty ký kết nhưng không phải để phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định này mà thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015.
3 - Trách nhiệm của các bên tham gia ký kết hợp đồng
- Đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết
- Đối với trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.
Để hạn chế rủi ro, các thành viên hoặc cổ đông sáng lập nên thỏa thuận cụ thể với nhau về nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ việc ký hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp.
Trước khi thành lập doanh nghiệp có được trừ các chi phí không?
Chi phí về thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT)
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư, được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Đối với việc kê khai, khấu trừ được thực hiện theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.
Chi phí về thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN)
Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC có quy định rằng về nguyên tắc mọi khoản chi thực tế có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Và tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa 03 năm.