Xác định được ngành, nghề kinh doanh trước khi thành lập doanh nghiệp
Trước khi thực hiện thành lập doanh nghiệp cần phải xác định được những quy định về ngành nghề kinh doanh trong doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh nào được phép đăng ký phù hợp với lĩnh vực hoạt động thực tế của doanh nghiệp mình để đảm bảo doanh nghiệp được hoạt động đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp phải lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Nguyên tắc đăng ký mã ngành kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp hay thay đổi bổ sung ngành nghề kinh doanh được quy định trong 4 trường hợp sau:
Ngành nghề kinh doanh không có điều kiện:
- Phải đăng ký theo mã ngành cấp 4, sau đó mới bổ sung mã ngành nghề cấp 5 theo quy định của pháp luật (nếu có)
- Trường hợp muốn ghi chi tiết hơn mã ngành kinh doanh cấp 4: Chọn một ngành nghề kinh doanh cấp 4 rồi ghi chi tiết bên dưới các ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành, mã ngành cấp 4 đó.
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện:
Ghi theo mã ngành đăng ký kinh doanh trong văn bản pháp luật quy định ngành nghề đó.
Ngành, nghề đầu tư không có trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (văn bản pháp luật khác quy định):
Ghi chi tiết ngành nghề theo văn bản pháp luật quy định ngành nghề đó.
Ngành nghề kinh doanh không có trong hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam (chưa được quy định trong văn bản khác):
- Vẫn được đăng ký kinh doanh nếu không nằm trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh;
- Được cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia, gửi văn bản thông báo cho Tổng cục Thống kê - Bộ KH&ĐT để bổ sung ngành nghề kinh doanh mới.
Lưu ý về các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh bao gồm:
1 - Kinh doanh các chất ma túy;
2 - Mua, bán kinh doanh các loại khoáng vật, hóa chất;
3 - Mua, bán mẫu vật các loài hoang dã, thủy sản nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên;
4 - Hoạt động liên quan đến con người như: Mua, bán người, bào thai, các bộ phận cơ thể người, liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
5 - Kinh doanh mại dâm;
6 - Kinh doanh pháo nổ;
7 - Dịch vụ đòi nợ.
05 yếu tố cần xác định trước khi thành lập doanh nghiệp (Hình ảnh từ Internet)
Xác định được các loại hình doanh nghiệp trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp
Hiện nay, ở Việt Nam cho phép hoạt động 04 loại hình doanh nghiệp, cụ thể:
1 - Công ty Trách nhiệm hữu hạn (Công ty TNHH)
- Công ty TNHH một thành viên: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Công ty TNHH hai thành viên: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
+ Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân;
+ Số lượng thành viên không vượt quá 50;
+ Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
2 - Công ty Cổ phần
Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
- Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân;
- Số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
3 - Doanh nghiệp tư nhân
Là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh; không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
4 - Công ty hợp danh
- Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung.
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
- Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Đặt tên cho doanh nghiệp trước khi thành lập doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về việc đặt tên cho doanh nghiệp bao gồm:
- Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phải phát âm được và có ít nhất hai thành tố: Loại hình doanh nghiệp và Tên riêng.
- Không đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.
- Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
- Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên bằng tiếng Việt hoặc tên viết bằng tiếng nước ngoài.
- Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, vãn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sõ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Xác định nơi đặt trụ sở công ty trước khi thành lập doanh nghiệp
Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp; phải ở trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên phố (ngõ phố) hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
Xác định vốn điều lệ trước khi thành lập doanh nghiệp
“Vốn điều lệ “ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Hiện nay, chưa có quy định số vốn tối thiểu (ngoại trừ những ngành nghê yêu cầu có vốn pháp định) hoặc tối đa. Số vốn này do doanh nghiệp tự đăng ký và khi góp vốn bằng tiền phải nộp qua tài khoản ngân hàng.